Post Top Ad

Your Ad Spot

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Những Lời Khuyên Giúp Tiết Kiệm Thời Gian Nấu Ăn Từ Các Đầu Bếp Chuyên Nghiệp

Bất kỳ ai làm đầu bếp cũng đều hiểu được công việc này có khối lượng áp lực rất lớn, luôn phải hoạt động tối đa công suất của mình để có thể bắt kịp dây chuyền vận hành của nhà hàng. Thậm chí, với những nhà hàng có quy mô lớn, lưu lượng khách đông thì người đầu bếp gần như không có chút thời gian nghỉ ngơi nào. Do đó, để mang lại hiệu quả công việc tốt nhất, các đầu bếp nên biết cách làm thế nào để có thể tối ưu quy trình nấu ăn, tiết kiệm thời gian mà vẫn không đòi hỏi quá nhiều công sức.

Tiết kiệm thời gian nấu ăn cũng là một cách để mang lại hiệu quả công việc tốt nhất (Nguồn: Internet)
Sắp xếp khu vực làm việc một cách có tổ chức

Không chỉ trong nghề bếp mà với bất kỳ công việc nào cũng vậy, làm sao bạn có thể tập trung và mang lại hiệu quả công việc cao khi không gian làm việc bừa bộn và thiếu tổ chức được. Đặt trường hợp bạn phải nấu ăn trong một căn bếp lộn xộn, bất kể khi nào cần gì cũng đều phải loay hoay tìm kiếm rất lâu hoặc thậm chí là tìm không thấy vì quên mất vị trí đã cất, như vậy sẽ lãng phí thời gian đi rất nhiều và làm chậm dây chuyền hoạt động của nhà hàng. 

Michele Sidorenkov – một đầu bếp được đào tạo bài bản và chuyên gia dinh dưỡng của My Millennial Kitchen chia sẻ “Mọi người có thể sắp xếp căn bếp của mình theo nguyên tắc phân nhóm các vật dụng cùng chủng loại. Chẳng hạn như dao, thớt, kéo, thìa đong vào một nhóm, các loại bát vào một nhóm,… và mỗi nhóm sẽ có khu vực cất giữ riêng. Sắp xếp mọi thứ một cách có tổ chức như vậy sẽ giúp bạn không phải chạy tới chạy lui trong căn bếp mỗi khi nào cần sử dụng nữa.”

Đầu tư vào bộ dao nấu bếp

Bộ dao đối với người đầu bếp đóng vai trò quan trọng cũng như vũ khí với người chiến sĩ vậy. Một bộ dao tốt và đạt tiêu chuẩn sử dụng cho đầu bếp sẽ giúp bạn có thể xử lý thực phẩm một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, đồng thời, thực phẩm cũng sẽ có hình dáng đẹp đẽ và bắt mắt hơn. Bếp trưởng James Tchinnis của Swallow Montauk và Organic Krush chia sẻ “Nếu bạn đầu tư vào một bộ dao tốt, chúng sẽ cho phép bạn có nhiều lựa chọn sử dụng hơn, bạn có thể quyết định loại dao nào phù hợp với loại thực phẩm gì. Chẳng hạn như dao răng cưa sẽ giúp bạn cắt cà chua tốt hơn các loại dao khác mà không làm hỏng hình dáng của quả cà chua.” Ngoài ra, đầu tư vào bộ dao nấu bếp không chỉ là mua một bộ dao thật tốt, mà còn phải biết cách bảo quản chúng. Tchinnis cũng khuyên bạn nên đầu tư vào dụng cụ mài dao, và mài dao vài tuần một lần để giữ được độ sắc bén và dáng dao tốt nhất. 

Đầu bếp chuyên nghiệp sẽ biết cách làm thế nào để tiết kiệm thời gian và tối ưu quy trình nấu ăn (Nguồn: Internet)

Luôn nấu sẵn nguyên liệu với số lượng lớn

Hầu hết các đầu bếp đều cho lời khuyên nên nấu sẵn nguyên liệu theo số lượng lớn và để dành sử dụng dần. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ nên áp dụng với các loại thực phẩm có thể bảo quản tốt trong một khoảng thời gian nhất định mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng hoặc hương vị của chúng. Serena Poon – một đầu bếp nổi tiếng và chuyên gia dinh dưỡng cho biết cô thường sơ chế sẵn các loại rau để làm tăng hương vị và cất đi để sử dụng dần cho các món như salad, mì ý, pizza, dùng làm món khai vị hoặc làm món phụ cho các món chính nhiều protein,… Đồng thời, Serena Poon còn nấu sẵn nước sốt cho các món như puree soup, nước dùng, hoặc các món hầm xay nhuyễn có thể dễ dàng bảo quản bằng cách bỏ tủ lạnh hoặc đem đông lạnh.

Bên cạnh, bạn cũng có thể áp dụng nguyên tắc này với nhiều loại thực phẩm khác, như các loại ngũ cốc chẳng hạn. Đại sứ Văn hóa và Ẩm thực – Đầu bếp Nathan Lyon cho biết anh thường nấu sẵn các hạt diêm mạch để dùng cho các món salad hoặc nướng sẵn các loại rau củ để có thể thoải mái dùng bất cứ ngày nào trong tuần. Chỉ có một lưu ý nhỏ là không nên áp dụng với gạo vì cơm nấu để lâu sẽ phát sinh vi khuẩn không còn đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe nữa.

Nấu đến đâu, dọn đến đó

Trách nhiệm công việc của một đầu bếp không chỉ có nấu nướng mà còn phải đảm bảo khu vực làm việc của mình luôn phải thật sạch sẽ và gọn gàng. Rõ ràng, việc dọn dẹp “bãi chiến trường” bạn vừa bày ra trong quá trình nấu ăn thật sự rất mệt mỏi, là lý do vì sao các đầu bếp đều khuyên bạn nên nấu đến đâu, dọn đến đó. Nghe thì có vẻ rất mất thời gian, tuy nhiên, khi thực hiện bạn sẽ nhận ra rằng vừa làm vừa dọn thuận tiện hơn rất nhiều so với để dồn đến sau cùng mới dọn. Thêm vào đó, việc làm và dọn song song sẽ giúp bạn có không gian nấu ăn thoải mái hơn, không bị cản trở hoặc vướng víu bởi rác thải thực phẩm hoặc chén bát, dụng cụ bẩn chưa rửa.

Đầu bếp lừng danh Gordon Ramsay từng chia sẻ một trong những bí quyết nấu ăn của mình chính là luôn có một bát nhỏ ở bên cạnh để đựng các loại rác thải hoặc vỏ, bao bì thực phẩm nhằm hạn chế tình trạng vứt bỏ lung tung và tiết kiệm thời gian vứt rác. Tuy rằng đây chỉ là một thao tác rất đơn giản, nhưng cũng sẽ góp phần giúp cải thiện quy trình nấu ăn và nâng cao hiệu suất làm việc của bạn lên rất nhiều. 

Luôn làm nóng lò trước khi sử dụng

Nghe có vẻ hiển nhiên, vậy nhưng chính những điều hiển nhiên vậy mới là thứ khiến bạn dễ quên nhất. Bếp trưởng James Tchinnis đã chỉ ra “Các đầu bếp thường mất bao lâu để chuẩn bị mọi thứ đâu ra đó để rồi phát hiện mình đã quên làm nóng lò trước, kết quả sau đó mọi người lại phải tiếp tục đợi thêm 20 phút mới có thể bắt đầu nấu ăn?”. Điều này không chỉ nhắc đến các món phải sử dụng lò nướng, mà còn cả những món phải sử dụng bếp thông thường. Bạn sẽ biến một món ăn chỉ cần nấu trong 10 phút trở thành một món ăn phải mất đến nửa tiếng liền vì mất thời gian chờ đợi bếp hoặc lò đạt được nhiệt độ thích hợp để chế biến.

“Trước khi bắt đầu nấu nướng, bao giờ tôi cũng phải chắc chắn rằng mình đã làm nóng lò từ trước, chảo đang nóng hoặc nước đang sôi và sẵn sàng để chế biến thực phẩm. Như vậy, đến khi tôi chuẩn bị xong xuôi mọi nguyên liệu thì đã có thể nấu ngay mà không cần chờ đợi gì cả.” – Đầu bếp Dennis Prescott chia sẻ. Luôn làm nóng chảo hoặc làm nóng lò trước khi sử dụng không chỉ có thể tiết kiệm thời gian, tối ưu quá trình nấu ăn mà còn giúp thực phẩm chín đều, có hương vị thơm ngon hơn và giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.

Ghi nhớ chính xác công thức nấu ăn

Sẽ thật xấu hổ nếu như bạn là đầu bếp nhưng lại không thể nhớ được công thức món ăn mình cần nấu là gì. Thay vì có thể nhanh chóng chế biến và phục vụ đến khách hàng, thì bạn phải i dành những giây phút quý giá đó để dừng tay tìm kiếm công thức, hoặc làm phiền đến những người đồng nghiệp của mình để hỏi xem món ăn ấy nấu như thế nào. Điều này không chỉ làm giảm hình ảnh chuyên nghiệp của bạn, mà còn ảnh hưởng đến dây chuyền vận hành chung, làm mất thời gian của cả bản thân lẫn đồng nghiệp. Điều quan trọng là bạn sẽ không thể học thuộc công thức nấu ăn như cách học lý thuyết suông, mà phải thông qua quá trình luyện tập thật nhiều và “để cơ thể ghi nhớ”, như vậy cách làm món ăn sẽ được ghi nhớ một cách chính xác và lâu dài hơn.

Mọi sự chậm trễ trong không gian bếp đều sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tập thể chung, bởi căn bếp luôn được hoạt động theo một dây chuyền mà ở đó mỗi bộ phận đều có sự gắn kết và hợp tác với nhau. Có thể bạn sẽ cảm thấy những lời khuyên trên đây rất hiển nhiên, đơn giản, thậm chí có vẻ như không đáng quan trọng, thế nhưng nếu như có thể áp dụng tất cả, theo dần thời gian sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả làm việc của mình, đưa hình ảnh bản thân trở nên chuyên nghiệp hơn. 

Nguồn FnB Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

Your Ad Spot

MAIN MENU