Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn
Ngành ẩm thực đang ngày càng phát triển, chúng ta dễ dàng bắt gặp các quán ăn, nhà hàng “mọc” lên khắp mọi nơi. Trong những năm gần đây, nguồn thu nhập của người Việt ngày càng tăng nên nhu cầu về ăn uống ngày càng lớn. Nhưng không phải nhà hàng nào cũng kinh doanh thành công và thu hồi vốn dễ dàng, mà cũng có rất nhiều nhà hàng thua lỗ và phá sản. Vì vậy khi kinh doanh bất kì một lĩnh vực nào bạn cũng cần có kế hoạch rõ ràng cùng với một số vốn hợp lý.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là “Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn?”. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mô hình kinh doanh, tính chất hoạt động mà nhà hàng muốn hướng tới. Dưới đây là tổng hợp các loại chi phí cần có khi kinh doanh nhà hàng.
1. Giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Kinh doanh nhà hàng cần các giấy tờ: giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Giấy phép này sẽ được các cơ quan thẩm quyền cấp cho bạn. Có thể, chi phí “bôi trơn” là điều khó tránh khỏi trong quá trình này.
2. Chi phí thuê mặt bằng
Đây chính là một trong những chi phí quan trọng để trả lời cho câu hỏi để mở một nhà hàng thì cần bao nhiêu vốn. Tuy nhiên chi phí thuê mặt bằng cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: diện tích, vị trí thuê, mật độ giao thông,…
Thông thường chủ nhà sẽ yêu cầu bạn đóng tiền thuê từ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, cộng thêm khoảng 1- 3 tháng tiền đặt cọc. Như vậy bạn cần chuẩn bị ít nhất là 4 tháng tiền nhà. Tuy nhiên, để kinh doanh nhà hàng bạn cần phải tính toán thêm chi phí dự phòng để có thể duy trì hoạt động trong ít nhất 6 tháng, dù bạn kinh doanh lời hay lỗ.
3. Chi phí trang trí nội thất
Sau khi có địa điểm kinh doanh, bạn nên bắt tay vào việc sửa sang, trang trí nhà hàng. Bạn cần phải nghiêm túc và cẩn trọng trong việc đầu tư hạng mục này để có thể tạo ấn tượng và thu hút khách hàng. Không nên quá tiết kiệm chi phí cải tạo, thiết kế để có được không gian quán ưng ý nhất. Bạn có thể tự trang trí để có thể tiết kiệm hơn, tuy nhiên bạn nên nhờ đến các công ty thiết kế, tham khảo để có cách trang trí đẹp nhất.
4. Chi phí trang thiết bị
Kinh doanh nhà hàng khác với kinh doanh quán ăn vì vậy bạn cần phải trang bị nhiều thiết bị hơn đồng thời phải chỉn chu hơn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tùy vào quy mô kinh doanh và phong cách quán hướng đến mà bạn có thể trang bị số lượng trang thiết bị, chi phí mua sắm đồ đạc khác nhau. Chẳng hạn với diện tích 100m2 thì bạn cần khoảng 20-30 bộ bàn ghế, nếu mỗi bộ có giá 3 triệu đồng với chất lượng tốt thì bạn cần phải chuẩn bị ít nhất 90 triệu.
Ngoài ra bạn cần phải mua các dụng cụ, thiết bị trong nhà bếp như: tủ đông, chảo, bếp, chén, dĩa,…có chất lượng cao, bền để tiết kiệm chi phí về lâu dài. Để tránh mua thiếu hoặc thừa thì bạn nên liệt kê danh sách những trang thiết bị cần thiết trước khi mua.
5. Chi phí nguyên vật liệu
Chất lượng đồ ăn là một trong các yếu tố để “giữ chân” khách hàng vì vậy cần phải lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo uy tín, chất lượng, tươi ngon và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên vật liệu nấu ăn rất dễ hư hỏng nếu để lâu hoặc không bảo quản đúng cách, vậy nên thực phẩm tươi nên được nhập mới mỗi ngày. Trung bình một ngày phải bạn phải bỏ ra ít nhất 5-10 triệu cho tiền mua nguyên liệu, tùy mô hình kinh doanh của nhà hàng. Bên cạnh đó cũng cần thêm khoảng 5-7 triệu tiền mua đồ uống dự trữ cho tháng đầu kinh doanh.
6. Chi phí thuê nhân công
Mở một nhà hàng cần bao nhiêu vốn còn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh. Tùy vào mô hình to hay nhỏ mà bạn sẽ cân nhắc số lượng nhân viên sao cho hợp lý, nên ưu tiên thuê nhân công giỏi nghiệp vụ, có kinh nghiệm để không mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo. Thông thường chi phí thuê đầu bếp sẽ đắt hơn những nhân viên khác.
7. Chi phí marketing quảng cáo
Thời gian đầu, có thể nhà hàng vẫn còn đông khách nhờ kênh “người quen” nhưng sau lại ít dần, vì vậy bạn cần phải khởi động kênh quảng cáo cho quán của mình ngay từ trước khi khai trương để có nhiều người biết tới. Chương trình khuyến mãi, giảm giá là không thể thiếu trong những ngày đầu mở quán. Ngoài ra bạn cũng cần thiết kế website nhà hàng hoặc tạo Fanpage Facebook để quảng bá và được nhiều người biết đến hơn.
8. Chi phí khác
Đây là những chi phí như tiền điện, nước, vệ sinh,…cũng như chuẩn bị một khoảng tiền để phòng ngừa rủi ro cho 3 tháng đầu kinh doanh.
Hy vọng rằng bài viết trên đã có thể trả lời cho bạn được câu hỏi “Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn?”, lập kế hoạch kinh doanh cụ thể sẽ giúp bạn kiểm soát các khoản đầu tư tốt hơn. Chúc các bạn thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét